Hình thành Mắc ma

Sự suy giảm đột ngột của áp suất có thể tạo ra sự nóng chảy do giảm áp. Điều này có thể diễn ra do các chuyển động kiến tạo hoặc do đá nóng chảy chuyển động làm phá hủy các đá xung quanh khi nó di chuyển lên các độ sâu thấp hơn trong lớp vỏ Trái Đất. Gradient địa nhiệt trung bình khoảng 25 °C/km với khoảng rộng từ thấp ở mức 5-10 °C/km trong phạm vi các rãnh đại dương và các khu vực sút giảm tới cao ở mức 30-50 °C/km dưới các sống núi giữa đại dương và các cung núi lửa. Tổ hợp của nhiệt độ cao và áp suất thấp gần môi trường bề mặt là điều kiện thuận lợi nhất để diễn ra sự nóng chảy do áp suất suy giảm.

Mắc ma cũng có thể được tạo thành do sự bổ sung của các chất dễ bay hơi vào đá bị nung nóng. Các chất dễ bay hơi (nước và khí) được giải phóng từ các mảng hút chìm của các lớp vỏ đại dương, các chất này xâm nhập vào các lớp đá nằm phía trên và kích thích sự nóng chảy. Chúng có thể phá vỡ các liên kết khoáng vật bên trong đá nóng chảy và làm cho nhiệt độ nóng chảy giảm xuống tạo thành mắc ma.

Sự hình thành của mắc ma cũng có thể là kết quả của sự làm nóng chảy đá thuộc lớp vỏ bởi mắc ma đã tồn tại trước đó do mắc ma này có nhiệt độ cao hơn đến mức nó làm nóng chảy luôn cả đá của lớp vỏ khi nó dâng lên, điều này tạo ra nhiều mắc ma hơn nữa.

Mắc ma dâng lên chủ yếu là do khi đá nóng chảy có tỷ trọng thấp hơn so với đá rắn, nó bị đẩy lên trên qua thạch quyển bởi sức nổi (theo cách thức giống như tấm gỗ có tỷ trọng thấp bị đẩy lên trên và trôi nổi trong nước nặng hơn). Quá trình này tạo ra các lò magma và cuối cùng là núi lửa, mắc ma bị đẩy lên trên theo mọi hướng ra bề mặt Trái Đất trong các hoạt động phun trào núi lửa.